eblog
G-DISAC Trung Tâm An Toàn Và Xác Thực Thông Tin Số Toàn Cầu

Weekly Updates

Let's join our newsletter!

Do not worry we don't spam!

  • BYAdmin
  • 10/01/2025

'Việt Nam góp phần định hình tương lai trí tuệ nhân tạo'

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, Việt Nam trong thời gian tới được nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc xây dựng các quy tắc toàn cầu về AI. Bài viết được tổng hợp thông tin, mời bạn đọc cùng tìm hiểu nhé!

'Việt Nam góp phần định hình tương lai trí tuệ nhân tạo'

Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong định hình tương lai trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực có tác động sâu rộng tới kinh tế và cấu trúc xã hội toàn cầu.

Thông tin ông Amandeep Singh Gill, Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc, nói tại hội thảo quốc tế "Đối thoại về Quản trị trí tuệ nhân tạo" tổ chức tại Hà Nội chiều 5/1. Đối thoại được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hợp quốc tại Việt Nam. Sự kiện tổ chức trong bối cảnh các cơ quan của Liên hợp quốc đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, cung cấp phân tích chính sách, tư vấn kỹ thuật và các sáng kiến về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và hỗ trợ thiết kế các biện pháp bảo vệ trong cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số của Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng các quy tắc toàn cầu về AI, ông Amandeep Singh Gill cho rằng, tương lai của AI không nên được quyết định bởi một vài quốc gia. "Liên hợp quốc là nền tảng để Việt Nam đóng góp ý kiến xây dựng quy tắc toàn cầu cho AI", ông nói.


Ông Amandeep Singh Gill phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nhật Minh

Theo ông Gill, việc tham gia vào các sáng kiến toàn cầu không chỉ giúp Việt Nam học hỏi từ các quốc gia phát triển mà còn là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến về quy trình quản trị AI. "Việc thiết lập mạng lưới toàn cầu về xây dựng năng lượng AI sẽ tạo cơ hội để Việt Nam đóng góp và mang lại lợi ích cho tài nguyên chung của thế giới".

Việt Nam đang thúc đẩy các sáng kiến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI, không chỉ trong việc phát triển chính sách mà còn trong việc xây dựng năng lực toàn cầu. Theo khuyến nghị của ông Gill, một trong những giải pháp quan trọng là thiết lập mạng lưới toàn cầu để xây dựng năng lực trong lĩnh vực AI hiện đại. Ông chia sẻ: "Việc xây dựng một mạng lưới toàn cầu về phát triển năng lực sẽ tạo ra cơ hội cho các quốc gia, bao gồm Việt Nam, đóng góp và mang lại lợi ích cho tài nguyên và hiểu biết chung". Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm mà còn giúp Việt Nam tiếp thu những tiến bộ và bài học từ các quốc gia khác.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, Việt Nam cam kết trở thành thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế về khoa học và công nghệ, đặc biệt là AI. "Việt Nam tập trung phát triển đất nước thông qua khoa học và công nghệ, không chỉ ứng dụng AI mà còn nghiên cứu hoạt động của nó đối với tương lai của con người", ông Duy chia sẻ.


Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết Việt Nam hợp tác quốc tế để phát triển và ứng dụng AI hiệu quả. Ảnh: Nhật Minh

Dù AI mang lại nguồn tài nguyên lớn trong việc tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực lao động, Việt Nam cũng đối mặt với các vấn đề như mất cân bằng trong tiếp cận công nghệ, xâm phạm quyền riêng tư, hay nguy cơ thao túng thông tin. Trước nguy cơ đó, ông Duy cho biết Việt Nam đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCO và Australia để xây dựng các nguyên tắc trong phát triển AI. Điều này giúp Việt Nam thúc đẩy một hệ thống sinh thái AI bền vững, tập trung vào việc phát triển công nghệ một cách công bằng, bảo vệ quyền riêng tư và giảm thiểu các nguy cơ thao túng thông tin.

Theo ông, sự tham gia của Việt Nam không chỉ giúp học hỏi từ các quốc gia khác mà còn tạo cơ hội cho các nghiên cứu trong nước có thể tham gia vào các sáng kiến và sự kiện quốc tế. "Việc tham gia vào các cộng đồng này giúp chúng ta học hỏi những khái niệm mới và áp dụng vào những gì đang thực hiện tại Việt Nam", Thứ trưởng Duy nói.

Tại Việt Nam, AI đang được nghiên cứu và phát triển mạnh trong các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, trường đại học. PGS. TS Bùi Thu Lâm và GS Nguyễn Thanh Thủy, Câu lạc bộ Khoa - Trường-Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt

Nam (FISU) cho biết, hiện có nhiều trường đại học, cơ quan giáo dục đã bắt đầu đưa AI vào các hệ thống giảng dạy và quản lý. Việt Nam hiện có hơn 20 phòng thí nghiệm AI, với khoảng 3.000 sinh viên theo học các chương trình liên quan đến AI và 50 trường đại học cung cấp chương trình giảng dạy do AI thúc đẩy. Ngoài ra, 26 trường đại học hiện cung cấp các chuyên ngành hoặc chuyên ngành AI, được Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ.

"Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể trong nghiên cứu AI", PGS Lâm nói, dẫn thêm Việt Nam xếp thứ 29 trên toàn cầu về các ấn phẩm học thuật vào năm 2023. Trong năm năm qua, đã có 40 khoản tài trợ nghiên cứu lớn tập trung vào công nghệ AI.

Bốn trụ cột thúc đẩy trí tuệ nhân tạo tại TP HCM

Các chuyên gia cho rằng có chiến lược nghiên cứu và ứng dụng AI, bồi dưỡng nhân lực, hợp tác doanh nghiệp, xây dựng hạ tầng tính toán là bốn trụ cột giúp TP HCM thúc đẩy AI.

Tại hội thảo về phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI) tổ chức sáng 24/12, các chuyên gia đề xuất bốn nhóm chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng AI trong giai đoạn tới.

PGS.TS Trần Minh Triết, Hiệu phó trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM đề xuất thành phố cần có chiến lược nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI theo hướng tập trung ưu tiên các đề tài nghiên cứu. Ông cho rằng, thành phố cần có cơ chế khuyến khích các đề tài ứng dụng AI có khả năng gắn kết với các lĩnh vực liên ngành. Các ứng dụng AI giúp thúc đẩy các ngành khác phát triển như y tế, du lịch... Để ứng dụng hiệu quả, ông cho rằng việc đặt ra các bài toán cần giải quyết rất quan trọng. Vì vậy chính quyền cần xây dựng các nhiệm vụ giúp xác định các nhu cầu thành phố, đơn vị công lập, doanh nghiệp cần mà AI có khả năng phục vụ.


PGS.TS Trần Minh Triết đề xuất các nhóm chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo tại hội thảo, sáng 24/12. Ảnh: BTC

Theo PGS Triết, các nghiên cứu ứng dụng AI không chỉ giải quyết bài toán trong nước mà việc tham gia các dự án quốc tế sẽ giúp giải quyết các vấn đề ở tầm lớn hơn, phục vụ cho xã hội, cộng đồng ở phạm vi rộng hơn. Ông cũng kiến nghị các dự án nghiên cứu của các bạn trẻ cần được tiếp tục hỗ trợ phát triển để ươm mầm những doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chiến lược bồi dưỡng nhân tài AI cũng được các chuyên gia đề cập nhằm phát triển nguồn nhân lực. Theo PGS.TS Phạm Trần Vũ, Hiệu phó trường Đại học Bách khoa TP HCM, bên cạnh việc phát triển nhân lực có kỹ năng sử dụng các công cụ AI, phục vụ ứng dụng, thành phố cần phát triển các nguồn nhân lực chuyên sâu, có kỹ năng cao, hướng đến làm chủ công nghệ. Để có nguồn nhân lực chuyên sâu, tài năng, thành phố cần có những chương trình đào tạo đặc thù về AI, khoa học máy tính, toán ứng dụng... Đây được coi là những ngành mang tính nền tảng để phát triển công nghệ lõi về AI.

Ông Triết cho rằng, phát triển nhân lực AI cần gắn kết doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các chương trình kết nối, hoạt động hợp tác, các cuộc thi... Tiếp cận với doanh nghiệp, giúp người học có trải nghiệm, gắn kết sâu hơn nhằm giúp họ đưa ra những ý tưởng hay dự án khởi nghiệp từ thực tế.

Theo ông Trần Phúc Hồng, Phó tổng giám đốc TMA Solutions, thực tế tại đơn vị nhiều năm qua khó tuyển được nhân sự về AI. Công ty phải tìm người có kiến thức bài bản ở nước ngoài và tự xây dựng đội ngũ thông qua các chương trình đào tạo riêng. Đến nay, gần 4.000 kỹ sư của TMA Solutions được đào tạo về AI. Sau 10 năm thành lập trung tâm AI, công ty đã xây dựng hơn 100 giải pháp ứng dụng AI cho các ngành, cung cấp cho 12 quốc gia.

Đại diện TMA Solutions đề xuất TP HCM cần có chính sách đào tạo nhân lực AI đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Cụ thể, sinh viên ngành AI tại thành phố cần đạt 25% tổng số lượng sinh viên ngành công nghệ thông tin. Sinh viên học ngành kỹ thuật cũng cần được đào tạo về AI. Với học sinh trong bậc THCS, THPT cần được làm quen và học tập về AI.

Hạ tầng tính toán là đề xuất mà PGS.TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật điện toán, trường Đại học Bách khoa TP HCM mong muốn thành phố đầu tư. Theo ông, để huấn luyện mô hình AI cần hạ tầng tính toán hiệu năng cao. Tuy nhiên, PGS Nam đánh giá chi phí cho đầu tư này rất đắt đỏ.

Ông Nam dẫn số liệu của AI Index, chi phí đào tạo của các mô hình AI tiên tiến đạt đến mức chưa từng có. Ví dụ, mô hình GPT-4 CỦA OpenAI sử dụng 78 triệu USD để đào tạo mô hình tính toán. Trong khi đó, Gemini Ultra của Google tiêu tốn 191 triệu USD.

Theo PGS Nam, hạ tầng tính toán hiệu năng cao cần được đầu tư để các nhà khoa học, chuyên gia có công cụ giải quyết các bài toán với lượng dữ liệu lớn, mở ra nhiều cơ hội ứng dụng AI mới. "Các mô hình AI trong nước hiện nay chủ yếu chạy trên các mô hình quy mô nhỏ nên cần đầu tư cơ sở hạ tầng tính toán quy mô lớn hơn", PGS Nam nói.


Siêu máy chủ NVIDIA DGX A100 phục vụ học tập, nghiên cứu do trường Đại học Công nghệ thông tin TP HCM đầu tư giá trị hơn 10 tỷ đồng hồi đầu năm 2024. Ảnh: M.K

Ông đề xuất TP HCM muốn phát triển hạ tầng tính toán hiệu năng cao cần có chương trình đầu tư và tái đầu tư mang tính dài hạn, do sự phát triển công nghệ rất nhanh. Bước đầu thành phố có thể đầu tư trung tâm tính toán hiệu năng cao, sau đó kêu gọi các đại học, doanh nghiệp liên kết chia sẻ tài nguyên nhằm tối ưu hóa hiệu suất tính toán của các hệ thống. Điều này giúp thành phố có hạ tầng đủ mạnh giúp phát triển nghiên cứu, ứng dụng AI. Lợi nhuận từ việc triển khai các ứng dụng AI theo PGS Nam có thể nghiên cứu sử dụng tái đầu tư, thực hiện theo cơ chế hợp tác công tư.

Ông cho rằng, khi thành phố có hạ tầng tính toán đủ mạnh có thể liên kết với các địa phương tạo ra hạ tầng tính toán quốc gia, hợp tác quốc tế để thực hiện các dự án mang tầm chiến lược.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng, nói công nghệ AI đang phát triển rất nhanh, nếu không có sự chuẩn bị về mặt chính sách, nhân lực, đào tạo... sẽ không theo kịp với sự phát triển thế giới. Ông cho biết thành phố có bốn nhóm nhu cầu lớn trong ứng dụng AI phục vụ quản trị công, tăng năng suất lao động bộ máy công quyền, tăng năng suất cho doanh nghiệp và dịch vụ công phục vụ người dân. Ông cho biết các đề xuất rất ý nghĩa cho thành phố và sẽ nghiên cứu xây dựng các chính sách phát triển AI dựa trên các tham vấn này.

Bài viết được tổng hợp từ Báo VNExpress

Bài Viết Liên Quan

0941076762
challenges-icon chat-active-icon chat-active-icon chat-active-icon